Tax thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là loại thuế trực thu, đánh vào thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp sau khi đã loại trừ các tài khoản chi phí hợp lý. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết cách tính thuế TNDN:
Đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp
Thuế thu nhập doanh nghiệp là một loại thuế trực thu, tính trên phần thu nhập chịu thuế của tổ chức, doanh nghiệp từ hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động chuyển nhượng và các hoạt động khác trong kỳ tính thuế.
Đối tượng nộp thuế TNDN là các tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế đều phải có nghĩa vụ nộp thuế TNDN bao gồm:
- Doanh nghiệp thành lập trong nước theo pháp luật Việt Nam;
- Doanh nghiệp nước ngoài có sơ sở thường trú hoặc không thường trú tại Việt Nam;
- Các cơ sở của doanh nghiệp nước ngoài thường trú tại Việt Nam;
- Các tổ chức hành chính sự nghiệp, hợp tác xã;
- Các tổ chức khác…
Lưu ý: Trừ một số trường hợp không thuộc diện nộp thuế TNDN theo quy định như: hộ gia đình, cá nhân kinh doanh, hợp tác xã sản xuất có thu nhập từ sản phẩm mặt hàng về nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản...
Kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp
Kỳ tính thuế TNDN được xác định dựa trên năm dương lịch hoặc năm tài chính:
- Năm dương lịch được bắt đầu từ ngày 01/01 đến 31/12 của năm đó;
- Năm tài chính là năm có khoảng thời gian tương đương 12 tháng và bắt đầu từ ngày 01 đầu quý của năm đó.
Đối với doanh nghiệp mới thành lập có kỳ tính thuế năm đầu tiên và doanh nghiệp có kỳ tính thuế năm cuối cùng khi chuyển đổi loại hình, hình thức sở hữu, hoặc sáp nhập, chia, tách, hợp nhất, phá sản, giải thể có thời gian ngắn hơn 3 tháng thì được cộng với kỳ tính thuế năm tiếp theo để hình thành một kỳ tính thuế TNDN. Kỳ tính thuế TNDN năm đầu tiên hoặc cuối cùng không vượt quá 15 tháng.
➤ Kỳ tính thuế TNDN đối với doanh nghiệp nước ngoài
Kỳ tính thuế TNDN theo từng lần phát sinh áp dụng đối với doanh nghiệp nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam khi có thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam mà khoản này không liên quan đến hoạt động thường xuyên của doanh nghiệp.
➤ Thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp
- Thời hạn nộp tờ khai quyết toán thuế TNDN: Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 trong năm dương lịch kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính. Trường hợp thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, thời hạn nộp tiền thuế trùng với ngày nghỉ theo quy định thì thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, thời hạn nộp tiền thuế sẽ được tính dời vào ngày làm việc tiếp theo;
- Thời hạn nộp tiền thuế TNDN cũng là thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, riêng thời hạn nộp tiền thuế TNDN tạm tính thì doanh nghiệp phải nộp đủ 75% số thuế phát sinh phải nộp (hạn nộp cùng hạn với báo cáo thuế quý 3 trong năm).
Hướng dẫn cách hạch toán, cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp
Đối với doanh nghiệp không xác định rõ chi phí trong kỳ tính thuế
Tổ chức, đơn vị sự nghiệp không phải là doanh nghiệp hoạt động và thành lập theo pháp luật Việt Nam quy định, doanh nghiệp nộp thuế GTGT có hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo phương pháp trực tiếp phát sinh thu nhập chịu thuế TNDN mà các đơn vị này không xác định được chi phí nhưng xác định được doanh thu thì thu nhập của hoạt động kinh doanh phải kê khai và tính theo tỷ lệ % trên doanh thu khi nộp thuế TNDN.
➤ Công thức tính thuế TNDN
Thuế TNDN phải nộp |
= |
Doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ |
x |
Thuế suất thuế TNDN |
➤ Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp tính theo tỷ lệ % trên doanh thu
Theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 quy định về thuế suất thuế TNDN tính theo tỷ lệ % trên doanh thu như sau:
Ngành nghề |
Tỷ lệ |
Hoạt động dịch vụ (Gồm lãi cho vay, lãi tiền gửi) |
5% |
Kinh doanh hàng hóa |
1% |
Hoạt động khác |
2% |
Đối với doanh nghiệp xác định rõ chi phí trong kỳ tính thuế
➤ Công thức tính thuế TNDN
Thuế TNDN |
= |
[Thu nhập tính thuế - Phần trích lập quỹ KH&CN (nếu có)] |
x |
Thuế suất thuế TNDN |
Phần trích lập quỹ Khoa học & Công nghệ (KH&CN)
Theo Thông tư 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC, ngày 28/06/2016 của Bộ Khoa học & Công nghệ quy định về đối tượng áp dụng bao gồm: các doanh nghiệp thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam, các cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước khác có liên quan.
➤ Quy định trích lập quỹ KH&CN
- Quỹ có thể tổ chức dưới 2 hình thức là thành lập tổ chức không có tư cách pháp nhân; trực thuộc doanh nghiệp và không thành lập tổ chức quỹ;
- Hình thức tổ chức quỹ do cấp có thẩm quyền của doanh nghiệp quyết định;
- Hằng năm doanh nghiệp phải lập báo cáo trích lập, điều chuyển và sử dụng quỹ.
➤ Mức trích lập quỹ KH&CN
- Đối với doanh nghiệp nhà nước: từ 3% đến 10%;
- Đối với doanh nghiệp khác: tối đa không quá 10% thu nhập tính thuế TNDN trong kỳ.
Thu nhập tính thuế TNDN
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư 78/2014/TT-BTC, thu nhập tính thuế trong kỳ tính thuế được tính như sau:
Thu nhập tính thuế |
= |
Khoản thu nhập chịu thuế |
- |
(Khoản thu nhập được miễn thuế + Các khoản lỗ được kết chuyển theo quy định) |
Lưu ý: Nếu thu nhập tính thuế bé hơn hoặc bằng 0 thì không phải nộp thuế TNDN.
Thu nhập chịu thuế TNDN
Theo Điều 2 Thông tư 96/2015/TT-BTC, thu nhập chịu thuế được xác định như sau:
Thu nhập chịu thuế TNDN |
= |
Doanh thu |
- |
Chi phí được trừ |
+ |
Các khoản thu nhập khác |
Thu nhập miễn thuế TNDN
Theo Điều 8 Thông tư 78/2014/TT-BTC và Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 Điều 6 Thông tư 96/2015/TT-BTC quy định về một số khoản thu nhập được miễn thuế như sau:
- Thu nhập từ chăn nuôi, nuôi trồng, trồng trọt, chế biến thủy sản, nông sản, hợp tác xã sản xuất muối và các sản phẩm thanh lý, bán phế liệu, phế phẩm liên quan (trừ thanh lý vườn cây cao su);
- Thu nhập từ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, ngư nghiệp của hợp tác xã thực hiện ở địa bàn có điều kiện khó khăn hoặc đặt biệt khó khăn về kinh tế - xã hội;
- Thu nhập từ việc thực hiện dịch vụ nông nghiệp bao gồm: thu nhập từ dịch vụ tưới tiêu nước; cày, bừa đất; nạo vét kênh, mương nội đồng; dịch vụ phòng trừ bệnh cho cây trồng, vật nuôi và các dịch vụ thu hoạch sản phẩm nông nghiệp;
- Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo quy định có phát sinh thu nhập của pháp luật về khoa học và công nghệ. Sản xuất thử nghiệm trong thời gian sản xuất thử nghiệm có phát sinh thu nhập về việc bán sản phẩm theo quy định của pháp luật;
- Thu nhập từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có số lao động là người sau cai nghiện, khuyết tật, người nhiễm HIV bình quân trong năm chiếm từ 30% trở lên trong tổng số lao động bình quân trong năm của doanh nghiệp…;
- Thu nhập từ hoạt động dạy nghề dành riêng cho người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đối tượng tệ nạn xã hội, người sau cai nghiện, người đang cai nghiện, người nhiễm HIV/AIDS;
- Hoạt động góp vốn, mua cổ phần, liên kết, liên doanh có phát sinh thu nhập đối với doanh nghiệp trong nước sau khi bên nhận góp vốn, phát hành cổ phiếu, liên kết, liên doanh đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định;
- Hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học, nghệ thuật, văn hóa, từ thiện, nhân đạo và hoạt động xã hội khác có phát sinh khoản tài trợ nhận được;
- Phần chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải (CERs) lần đầu có phát sinh thu nhập của doanh nghiệp được cấp chứng chỉ giảm phát thải; nộp thuế TNDN các lần chuyển nhượng tiếp theo khi có phát sinh theo quy định;
- Việc thực hiện nhiệm vụ nhà nước giao khi phát sinh của Ngân hàng Phát triển Việt Nam trong hoạt đầu tư phát triển, tín dụng xuất khẩu; hoạt động tín dụng;
- Phần thu nhập không chia;
- Ở địa bàn có điều kiện đặc biệt khó khăn về kinh tế - xã hội có phát sinh thu nhập của tổ chức, cá nhân từ chuyển giao công nghệ;
- Trong thời gian thực hiện thí điểm theo quy định về thi hành án dân sự có phát sinh thu nhập.
Các khoản lỗ được kết chuyển
Theo Điều 9 Thông tư 78/2014/TT-BTC thì cuối năm sau khi quyết toán thuế mà doanh nghiệp lỗ thì được chuyển toàn bộ số lỗ đó vào thu nhập (thu nhập chịu thuế đã trừ thu nhập miễn thuế) và liên tục không quá 5 năm, kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ.
- Khi doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi, doanh nghiệp được bù trừ lỗ từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng quyền tham gia thực hiện dự án đầu tư (trừ dự án thăm dò, khai thác khoáng sản);
- Khi doanh nghiệp hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng quyền tham gia thực hiện dự án đầu tư (trừ dự án thăm dò, khai thác khoáng sản) phát sinh lãi thì doanh nghiệp phải có nghĩa vụ nộp thuế TNDN theo quy định mà không được phép chuyển lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh sang.
Quy định về mức thuế suất thuế TNDN
Các ngành nghề có thuế suất không đổi đến thời điểm hiện tại theo Thông tư 123/2012/TT-BTC được ký ngày 27/07/2012:
- Thuế suất 32% - 50% áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam về lĩnh vực thăm dò, khai thác tìm kiếm dầu khí;
- Thuế suất 40% áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động thăm dò, khai thác tìm kiếm các mỏ tài nguyên quý hiếm như vàng, bạc, thiếc, wolfram, antimoan, đá quý, bạch kim, đất hiếm (trừ dầu khí);
- Thuế suất 50% áp dụng đối với các mỏ, tài nguyên quý hiếm ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định.
Các ngành nghề có thuế suất thay đổi qua các giai đoạn:
Khoảng thời gian áp dụng |
Ngành nghề |
Mức thuế suất |
Thông tư |
Từ 01/07/2013 trở về trước |
Các doanh nghiệp ngành nghề phổ thông |
25% |
Thông tư 123/2012/TT-BTC ký ngày 27/07/2012 |
Từ 01/07/2013 |
Doanh nghiệp có tổng doanh thu trong năm không quá 20 tỷ đồng và được thành lập theo quy định của pháp luật bao gồm đơn vị sự nghiệp, hợp tác xã. |
20% |
Thông tư 141/2013/TT-BTC ký ngày 16/10/2013 |
Doanh nghiệp có tổng doanh thu trong năm trên 20 tỷ |
25% |
||
Doanh nghiệp mới thành lập trong năm không đủ 12 tháng (trừ các trường hợp ưu đãi về thuế) |
|||
Từ 01/01/2014 đến ngày 31/12/2015 |
Doanh nghiệp có tổng doanh thu trong năm không quá 20 tỷ và được thành lập theo quy định của pháp luật bao gồm đơn vị sự nghiệp, hợp tác xã |
20% |
Thông tư 78/2014/TT-BTC ký ngày 18/09/2014 và Thông tư 96/2015/TT-BTC ký ngày 22/06/2015 |
Doanh nghiệp có tổng doanh thu trong năm trên 20 tỷ |
22% |
||
Doanh nghiệp mới thành lập trong năm không đủ 12 tháng (trừ các trường hợp ưu đãi về thuế) |
|||
Từ 01/01/2016 trở đi |
- Các doanh nghiệp ngành nghề phổ thông - Doanh nghiệp có thu nhập từ chuyển nhượng vốn - Doanh nghiệp có thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán - Doanh nghiệp có thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản |
20% |
Thông tư 78/2014/TT-BTC ký ngày 18/09/2014 và Thông tư 96/2015/TT-BTC ký ngày 22/06/2015 |
Hướng dẫn cách hạch toán thuế TNDN
- Khi tính thuế TNDN:
Nợ TK 821 - Chi phí thuế TNDN;
Có TK 3334 - Thuế thu nhập doanh nghiệp.
- Khi nộp tiền thuế TNDN vào Ngân sách Nhà nước:
Nợ TK 3334 - Thuế TNDN;
Có TK 111, 112.
- Cuối năm, khi xác định số thuế TNDN phải nộp của năm tài chính:
>> Nếu số thuế TNDN thực tế phải nộp nhỏ hơn số thuế TNDN tạm nộp hàng quý trong năm, thì ghi số chênh lệch như sau:
Nợ TK 3334 - Thuế TNDN;
Có TK 821 - Chi phí thuế TNDN (8211).
>> Nếu số thuế TNDN thực tế phải nộp lớn hơn số thuế TNDN tạm nộp hàng quý trong năm, thì số chênh lệch phải nộp thiếu, ghi như sau:
Nợ TK 821 - Chi phí thuế TNDN (8211);
Có TK 3334 - Thuế TNDN.
>> Khi thực nộp số chênh lệch thiếu về TNDN và Ngân sách Nhà nước, ghi:
Nợ TK 3334 - Thuế TNDN;
Có TK 111, 112.
- Cuối kỳ kế toán, kết chuyển chi phí thuế thu nhập hiện hành, ghi:
>> Nếu TK 8211 có số phát sinh nợ lớn hơn số phát sinh có thì số chênh lệch, ghi:
Nợ TK 911 - Xác định kết quả kinh doanh;
Có TK 8211 (chi phí thuế TNDN hiện hành).
>> Nếu TK 8211 có số phát sinh nợ nhỏ hơn số phát sinh có thì số chênh lệch, ghi:
Nợ TK 8211 - Chi phí thuế TNDN hiện hành;
Có TK 911 - Xác định kết quả kinh doanh.
Bluecom - Đơn vị cung cấp dịch vụ đại lý thuế hàng đầu
CÔNG TY CỔ PHẦN ỨNG DỤNG VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ BLUECOM VIỆT NAM
VPGD: P810 Tòa Trung Rice City Linh Đàm, P Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Trụ sở: Số 01, ngõ 117 Đặng Tiến Đông, P Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội
Hotline: 024.39936229 - 84973282186
Email: dailythuebluecom@gmail.com