Hướng dẫn cách khấu trừ và cách tính thuế TNCN đối với hợp đồng thử việc, lao động thời vụ, không ký hợp đồng lao động, hợp đồng lao động dưới 3 tháng, hợp đồng giao khoán,…
Cách tính thuế TNCN thời vụ
Theo Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2013 của Bộ tài chính quy định, các tổ chức, cá nhân trả tiền công, tiền thù lao, tiền chi khác cho cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) hoặc ký HĐLĐ dưới ba (03) tháng có tổng mức trả thu nhập từ hai triệu (2.000.000) đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân.
Trong đó, tiền thù lao là các khoản được nhận dưới các hình thức như: tiền hoa hồng đại lý bán hàng hóa, tiền hoa hồng môi giới; tiền tham gia các hoạt động giảng dạy; tiền tham gia biểu diễn văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao; tiền tham gia các dự án, đề án; tiền tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học, kỹ thuật; tiền nhuận bút theo quy định của pháp luật về chế độ nhuận bút; tiền dịch vụ quảng cáo; tiền nhận được từ tham gia hiệp hội kinh doanh, hội đồng quản trị doanh nghiệp, ban kiểm soát doanh nghiệp, ban quản lý dự án, hội đồng quản lý, các hiệp hội, hội nghề nghiệp và các tổ chức khác…
Nếu cá nhân chỉ có duy nhất thu nhập thuộc đối tượng phải khấu trừ thuế theo tỷ lệ nêu trên, nhưng ước tính tổng mức thu nhập chịu thuế sau khi giảm trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế, thì cá nhân có thu nhập làm cam kết (theo mẫu 02/CK-TNCN ban hành kèm theo Thông tư 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015) gửi tổ chức trả thu nhập để tổ chức trả thu nhập làm căn cứ tạm thời chưa khấu trừ thuế TNCN.
(Lưu ý: Cá nhân làm cam kết phải đăng ký thuế và có mã số thuế tại thời điểm cam kết.)
Căn cứ vào cam kết của người nhận thu nhập, tổ chức trả thu nhập không khấu trừ thuế. Kết thúc năm tính thuế, tổ chức trả thu nhập vẫn phải tổng hợp danh sách và thu nhập của những cá nhân chưa đến mức khấu trừ thuế và nộp cho cơ quan thuế. Cá nhân làm cam kết phải chịu trách nhiệm về bản cam kết của mình, với trường hợp phát hiện có sự gian lận sẽ bị xử lý theo quy định của Luật quản lý thuế.
Như vậy, khi tiến hành ký hợp đồng lao động thời vụ dưới 3 tháng sẽ có 2 trường hợp như sau:
– Nếu Tổng thu nhập dưới 2 triệu đồng/lần ký hợp đồng (hoặc /tháng) thì doanh nghiệp chi trả lương cần:
- Hợp đồng lao động, Phiếu chi lương, bảng chấm công…
- Bản CMND photo và KHÔNG cần làm cam kết 02/CK-TNCN (Vì chưa tới mức phải nộp thuế TNCN)
– Nếu có thu nhập từ trên 2 triệu đồng/lần hoặc /tháng thì khi chi trả lương, doanh nghiệp sẽ khấu trừ 10% thuế TNCN trước khi chi trả cho NLĐ và cần:
- Hợp đồng lao động, Phiếu chi lương, bảng chấm công…
- Bản CMND photo và phải kê khai thuế TNCN.
Nếu không muốn khấu trừ 10% thì doanh nghiệp yêu cầu cá nhân làm bản cam kết 02/CK-TNCN. Ngoài ra, trường hợp trước khi ký hợp đồng thời vụ với doanh nghiệp mà cá nhân đã có thu nhập không được làm cam kết: “Căn cứ quy định trên, trường hợp các cá nhân ký hợp đồng với đơn vị dưới 03 tháng, trong năm dương lịch trước khi vào đơn vị những cá nhân này đã đi làm ở nơi khác và có thu nhập tại những nơi này, đã có MST cá nhân thì các cá nhân này không thuộc diện làm cam kết; Công ty thực hiện khấu trừ thuế TNCN theo mức 10% trên tổng mức trả thu nhập từ hai triệu (2.000.000) đồng/lần trở lên theo Điểm i Khoản 1 Điều 25 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính.” (Theo Công văn 53094/CT-TTHT của Cục thuế TP Hà Nội ngày 12/8/2016)
Cách tính thuế TNCN thử việc
Theo Công văn 3421/CT-HTr ngày 20/01/2016 của Cục thuế TP Hà Nội:
– Đối với cá nhân ký HĐLĐ thử việc, hợp đồng khoán dịch vụ dưới ba (03) tháng có tổng mức thu nhập từ hai triệu 2 đồng/lần trở lên thì công ty thực hiện khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân.
– Trường hợp, cá nhân ký HĐLĐ thử việc, hợp đồng khoán dịch vụ dưới ba (03) tháng chỉ có duy nhất 01 nguồn thu nhập thuộc đối tượng phải khấu trừ thuế theo tỷ lệ nêu trên, nhưng ước tính tổng mức thu nhập chịu thuế không vượt quá 108 triệu đồng thì cá nhân lao động đó làm bản cam kết 02/CK-TNCN để làm căn cứ tạm thời không khấu trừ thuế TNCN. Cá nhân lao động phải đăng ký thuế và có mã số thuế tại thời điểm cam kết.
– Đối với cá nhân lao động đã làm bản cam kết 02/CK-TNCN nhưng tổng mức thu nhập thực tế trong năm trên 108 triệu đồng, thì cá nhân đó phải chịu trách nhiệm theo quy định của Luật quản lý thuế.
Theo Công văn 54155/CT-TTHT ngày 02 tháng 8 năm 2018 của Cục thuế Hà Nội và căn cứ các quy định trên, trường hợp doanh nghiệp ký Hợp đồng thử việc với người lao động:
- Sau khi kết thúc Hợp đồng thử việc, doanh nghiệp ký HĐLĐ từ ba (03) tháng trở lên với người lao động thì có trách nhiệm khấu trừ thuế TNCN theo Biểu thuế lũy tiến từng phần trước khi chi trả thu nhập cho người lao động tính cả thời gian thử việc.
- Trường hợp sau khi kết thúc Hợp đồng thử việc, doanh nghiệp không ký HĐLĐ với người lao động, thì phải khấu trừ thuế TNCN theo tỷ lệ 10% đối với khoản thu nhập của người lao động trong thời gian thử việc từ 02 triệu trở lên trước khi chi trả.
- Nếu trong năm quyết toán thuế, người lao động chỉ có duy nhất thu nhập thuộc đối tượng phải khấu trừ thuế theo tỷ lệ 10%, nhưng ước tính tổng mức thu nhập chịu thuế của người lao động sau khi trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế thì người lao động làm cam kết theo mẫu số 02/CK-TNCN ban hành kèm theo Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính gửi Công ty. Căn cứ vào cam kết của người lao động, Công ty tạm thời chưa khấu trừ thuế TNCN theo tỷ lệ 10% khi chi trả thu nhập cho người lao động.
Người lao động phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung cam kết của mình và phải có MST tại thời điểm cam kết, trường hợp phát hiện có sự gian lận sẽ bị xử lý theo quy định của luật quản lý Thuế.
Cách tính thuế TNCN đối với hợp đồng giao khoán
Đây là hình thức hợp đồng được ký giữa doanh nghiệp với một người lao động hoặc một nhóm người lao động. Mức lương được đề ra một cách cụ thể cho số lượng công việc được nêu trong hợp đồng và có thể sẽ quy định thời gian hoàn tất để bàn giao công việc. Đối với trường hợp ký hợp đồng giao khoán là với một nhóm người lao động thì sẽ do đại diện một người lao động đứng ra để đảm nhận các công việc có liên quan đến nhóm. Và trường hợp này thì sẽ phát sinh thêm trường hợp người ký hợp đồng sẽ có vai trò như một cá nhân kinh doanh.
Theo đó, phương pháp tính thuế TNCN đối với hình thức hợp đồng này là tính cho từng hình thức ký hợp đồng giao khoán. Cụ thể:
- Ký hợp đồng giao khoán với từng người lao động
Với hình thức ký hợp này, kế toán doanh nghiệp có trách nhiệm tính thuế TNCN của người lao động theo biểu thuế toàn phần 10% được tính trên tổng thu nhập của người lao động. Lưu ý là mức tính thuế TNCN này sẽ không được giảm trừ.
- Ký hợp đồng giao khoán với một nhóm người lao động
Đối với trường hợp này, người đại diện cho nhóm người lao động đứng ra ký hợp đồng với doanh nghiệp sẽ thay vai trò của kế toán doanh nghiệp, nghĩa là người đại diện ký hợp đồng sẽ trực tiếp theo dõi quá trình làm việc của người lao động trong nhóm, thực hiện việc chấm công và lập bảng thanh toán tiền lương theo hợp đồng đã thỏa thuận và gửi đến doanh nghiệp. Sau đó, người đại diện nhóm nhận tiền lương từ doanh nghiệp và phát lương cho từng người lao động trong nhóm. Với hình thức ký hợp đồng giao khoán này thì kế toán doanh nghiệp chỉ đóng vai trò kiểm tra hồ sơ mà người đại diện gửi lại doanh nghiệp và tiến hành tính thuế TNCN theo biểu toàn phần 10% mà thôi.
- Ký hợp đồng giao khoán với một người đại diện
Trường hợp này, người đại diện sẽ đóng vai trò như một cá nhân kinh doanh hay một hộ kinh doanh độc lập. Vì thế, phương pháp tính thuế TNCN cũng sẽ có sự khác biệt. Việc tính thuế TNCN của người đại diện theo hợp đồng giao khoán được tính dựa theo mức doanh thu mà người đại diện thu nhập được trên 1 năm.
Nếu người đại diện có tổng doanh thu từ trên 100 triệu/năm thì phải kê khai thuế TNCN. Việc kê khai này sẽ được thực hiện bằng cách người đại diện liên hệ đến cơ quan thuế để cấp hóa đơn lẻ theo đúng số tiền được ký trong hợp đồng giao khoán. Khi đó thì cơ quan thuế sẽ căn cứ vào số tiền trong hóa đơn để khấu trừ thuế GTGT và thuế TNCN. Việc khấu trừ bao nhiêu còn tùy thuộc vào ngành nghề kinh doanh của người đại diện.
- Với ngành cung cấp và phân phối hàng hóa: khấu trừ 1% thuế GTGT và 0,5% thuế TNCN.
- Với ngành dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: tỉ lệ khấu trừ đối với thuế GTGT là 5% và 2% cho thuế TNCN.
- Với ngành sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa hoặc ngành xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: khấu trừ 3% thuế GTGT và 2% thuế TNCN.
- Với các hoạt động kinh doanh khác: mức khấu trừ là 2% cho thuế GTGT và 1% cho thuế TNCN.
- Trong trường hợp tổng doanh thu của người đại diện dưới 100 triệu/năm thì không phải khấu trừ thuế TNCN.
Tóm lại, để tính thuế TNCN đối với lao động thời vụ, thử việc, giao khoán sẽ phải xem xem người lao động đó thuộc đối tượng nào để dễ dàng tính thuế thu nhập cá nhân cho hợp lý nhất. Vừa rồi là những thông tin về cách tính thuế TNCN mà doanh nghiệp và người lao động cần nắm vững để có thể đảm bảo việc ký hợp đồng, cũng như thực hiện nghĩa vụ Thuế đúng với quy định của pháp luật.
Bluecom - Đơn vị cung cấp dịch vụ đại lý thuế hàng đầu
CÔNG TY CỔ PHẦN ỨNG DỤNG VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ BLUECOM VIỆT NAM
VPGD: P810 Tòa Trung Rice City Linh Đàm, P Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Trụ sở: Số 01, ngõ 117 Đặng Tiến Đông, P Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội
Hotline: 024.39936229 - 84973282186
Email: dailythuebluecom@gmail.com