Tin tức

Chính sách thuế, kế toán đối với các quỹ xã hội, quỹ từ thiện ở Việt Nam

22/08/2023 BLUECOM VIỆT NAM 0 Nhận xét
Chính sách thuế, kế toán đối với các quỹ xã hội, quỹ từ thiện ở Việt Nam

Hiện nay, việc hình thành và mở rộng các quỹ xã hội, từ thiện là xu thế tất yếu để giúp Chính phủ cung cấp hàng hóa công cộng và phúc lợi cho các đối tượng yếu thế, góp phần giảm chênh lệch khoảng cách giàu, nghèo. Dưới đây, Bluecom sẽ chỉ ra cơ sở pháp lý và các chính sách thuế, kế toán đối với các quỹ xã hội, quỹ từ thiện ở Việt Nam. 

Cơ sở pháp lý về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, từ thiện ở Việt Nam

Hiện nay, các tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, từ thiện ở Việt Nam hoạt động dựa trên căn cứ pháp lý sau: Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25/11/2019 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, từ thiện và Nghị định số 93/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2011 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo (thay thế Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ).

Theo Nghị định số 93/2019/NĐ-CP, quỹ là tổ chức phi chính phủ do cá nhân, tổ chức tự nguyện góp một phần tài sản nhất định để thành lập hoặc thành lập thông qua di chúc, hiến, tặng tài sản thành lập quỹ, có mục đích tổ chức, hoạt động theo quy định, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ. Các quỹ này được hoạt động trên nguyên tắc - Không vì mục tiêu lợi nhuận, theo đó “Lợi nhuận có được trong quá trình hoạt động không để phân chia mà chỉ dùng cho các hoạt động theo điều lệ của quỹ đã được công nhận” (Điều 4).

Nghị định số 93/2019/NĐ-CP quy định một số nội dung liên quan đến nghĩa vụ tài chính của các quỹ xã hội, từ thiện, cụ thể:

Về quyền hạn và nghĩa vụ của quỹ xã hội, từ thiện, một số khoản tại Điều 8 quy định như sau:

  1. Lưu trữ và có trách nhiệm cung cấp đầy đủ hồ sơ, các chứng từ, tài liệu về tài sản, tài chính của quỹ, nghị quyết, biên bản về các hoạt động của quỹ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật (điểm d).
  2. Sử dụng tài sản, tài chính tiết kiệm và hiệu quả theo đúng mục đích của quỹ; nộp thuế, phí, lệ phí và thực hiện chế độ kế toán, kiểm toán, thống kê theo quy định của pháp luật; phải đăng ký mã số thuế và kê khai thuế theo quy định của pháp luật về thuế (điểm đ).
  3. Hàng năm, quỹ phải báo cáo tình hình tổ chức, hoạt động và tài chính với cơ quan cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ quỹ, cơ quan quản lý nhà nước về tài chính cùng cấp với cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập quỹ, cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực hoạt động của quỹ và báo cáo với UBND cấp tỉnh nơi quỹ đặt trụ sở trước ngày 31/12 (điểm i).
  4. Thực hiện các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến tổ chức, hoạt động của quỹ và các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và điều lệ quỹ (điểm l).

Về việc các cá nhân, tổ chức nước ngoài góp tài sản với công dân, tổ chức Việt Nam để thành lập quỹ, Điều 12 Nghị định này quy định: Cá nhân, tổ chức nước ngoài được góp tài sản cùng công dân, tổ chức Việt Nam để thành lập quỹ ở Việt Nam với điều kiện là phải có cam kết nộp thuế và chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của tài sản đóng góp.

Về tổ chức của quỹ, theo Điều 26,27,28,29,30, tổ chức của quỹ gồm: Hội đồng quản lý quỹ; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý quỹ; Giám đốc quỹ; Phụ trách kế toán của quỹ; Ban Kiểm soát quỹ.

Theo Điều 31, quỹ phải thực hiện công tác kế toán, kiểm toán, thống kê theo quy định tại Điều 31, đó là:

- Phải tổ chức công tác kế toán, thống kê theo đúng quy định của Luật Kế toán, Luật Thống kê và các văn bản hướng dẫn thực hiện như: (a) Chấp hành các quy định về chứng từ kế toán; hạch toán kế toán và các nghiệp vụ kinh tế, tài chính có liên quan đến quỹ; (b) Mở sổ kế toán ghi chép và lưu trữ các nghiệp vụ kinh tế, tài chính có liên quan đến quỹ; (c) Lập và gửi đầy đủ, đúng hạn các báo cáo tài chính (BCTC) và quyết toán năm cho cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập quỹ và cơ quan tài chính cùng cấp với cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập quỹ, hoặc cơ quan tài chính của cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập quỹ.

- Chịu sự thanh tra, kiểm tra, kiểm toán về việc thu, chi, quản lý và sử dụng quỹ của cơ quan tài chính cùng cấp với cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập quỹ, hoặc cơ quan tài chính của cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập quỹ và cơ quan kiểm toán có thẩm quyền. Cung cấp các thông tin cần thiết cho các cơ quan quản lý chức năng của Nhà nước khi có yêu cầu theo quy định của pháp luật.

Nghị định số 93/2021/NĐ-CP quy định cụ thể đối với các tổ chức, cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, bao gồm: Việc tiếp nhận, quản lý nguồn đóng góp tự nguyện; Phân phối, sử dụng nguồn đóng góp; Các nội dung chi từ nguồn đóng góp tự nguyện; Kinh phí thực hiện nhiệm vụ vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện; Công khai các đóng góp tự nguyện....

Cụ thể, Điều 13 Nghị định này quy định, các tổ chức, cơ quan, đơn vị thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện có tổ chức bộ máy độc lập đều phải mở sổ kế toán ghi chép, hạch toán kế toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, lập BCTC đầy đủ, minh bạch. Các tổ chức, cơ quan, đơn vị thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện không tổ chức bộ máy độc lập (được giao kiêm nhiệm quản lý) thì được hạch toán trên cùng hệ thống sổ kế toán của đơn vị.

Chính sách thuế và quy định về chế độ kế toán áp dụng đối với các quỹ xã hội, từ thiện ở Việt Nam

Nhìn chung, dù thành lập dưới dạng tư nhân hay do Nhà nước thành lập thì các quỹ xã hội, từ thiện đều phải tuân thủ các quy định về chính sách pháp luật, bao gồm cả các nghĩa vụ về thuế và thực hiện chế độ kế toán hóa đơn chứng từ. Chính sách thuế, kế toán áp dụng đối với các quỹ xã hội, từ thiện được quy định cụ thể như sau:

Chính sách thuế

- Thứ nhất, đối với quỹ xã hội, từ thiện với vai trò là một tổ chức nhận tài trợ: Theo Khoản 7, Điều 04, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) số 14/2008/QH12, khoản tài trợ nhận được để sử dụng cho hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học, văn hóa, nghệ thuật, từ thiện, nhân đạo và hoạt động xã hội khác tại Việt Nam thuộc đối tượng được miễn thuế TNDN. Như vậy, nếu các DN nhận được các khoản thu nhập mà dùng cho mục đích từ thiện thì sẽ được miễn thuế TNDN.

- Thứ hai, quỹ xã hội, từ thiện với vai trò là một tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh có thu nhập: Điều 04 Luật Thuế TNDN số 14/2008/QH12 quy định các khoản thu nhập miễn thuế như sau: Thu nhập từ hoạt động dạy nghề dành riêng cho người dân tộc thiểu số, người tàn tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đối tượng tệ nạn xã hội; Phần thu nhập không chia của cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế và lĩnh vực xã hội hóa khác để lại để đầu tư phát triển cơ sở đó theo quy định của luật chuyên ngành về lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế và lĩnh vực xã hội hóa khác; Phần thu nhập hình thành tài sản không chia của hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Hợp tác xã.

- Thứ ba, quỹ xã hội, từ thiện với vai trò là tổ chức làm từ thiện, tài trợ: Theo Điều 9 - Luật thuế TNDN số 14/2008/QH12, việc tài trợ chỉ được tính là chi phí được trừ khi ủng hộ cho 1 trong 7 trường hợp, trong đó có tài trợ cho giáo dục, y tế, nghiên cứu khoa học, khắc phục hậu quả thiên tai, chi tài trợ cho các đối tượng chính sách.

Năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2021/NĐ-CP quy định cụ thể về các khoản chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Như vậy, khoản tài trợ cho các bệnh viện (mua máy thở, quần áo bảo hộ, khẩu trang...) hoặc tài trợ cho các trường học, bệnh viện, cơ sở cách ly... được xác định là chi phí được trừ khi tính thuế TNDN. Tuy nhiên, với các khoản tài trợ cho các cá nhân gặp khó khăn trong dịch bệnh COVID-19 sẽ không được coi là chi phí được trừ, nếu khoản chi đó không đúng đối tượng hoặc không thông qua các đơn vị được phép nhận ủng hộ, tài trợ theo quy định.

Các quy định về chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ

Trên giác độ khung pháp lý về kế toán, từ trước khi có Nghị định số 93/2021/NĐ-CP đến nay, chưa có một văn bản cụ thể nào hướng dẫn nguyên tắc và phương pháp ghi nhận và trình bày báo cáo về hoạt động của các quỹ từ thiện của các tổ chức và cá nhân. Do vậy, trên thực tế thực hiện công tác kế toán của các quỹ từ thiện nói chung và quỹ từ thiện của các tổ chức nói riêng hiện nay còn lúng túng, công bố thông tin thiếu hệ thống, thiếu khoa học dẫn đến thông tin báo cáo của người dân, cũng như các bên liên quan còn hạn chế.

Đứng trên giác độ bản chất của hoạt động từ thiện, kế toán quỹ từ thiện (kế toán bên nhận và thực hiện hoạt động thiện nguyện trên cơ sở ủy quyền của bên góp tiền vào quỹ) là một phương thức kế toán nhấn mạnh trách nhiệm giải trình đối với công chúng quyên góp và các bên liên quan, đóng góp nguồn lực cho hoạt động của quỹ. Vì vậy, cần sớm có các quy định, hướng dẫn cụ thể đối với những vấn đề trên.

Bluecom - Đơn vị cung cấp dịch vụ đại lý thuế hàng đầu

CÔNG TY CỔ PHẦN ỨNG DỤNG VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ BLUECOM VIỆT NAM

VPGD: P810 Tòa Trung Rice City Linh Đàm, P Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội

Trụ sở: Số 01, ngõ 117 Đặng Tiến Đông, P Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội

Hotline: 024.39936229 - 84973282186

Email: dailythuebluecom@gmail.com

Bình luận

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

popup

Số lượng:

Tổng tiền: