Tin tức

Hướng dẫn làm báo cáo thuế cuối năm 2023 chính xác đầy đủ

26/11/2023 BLUECOM VIỆT NAM 0 Nhận xét
Hướng dẫn làm báo cáo thuế cuối năm 2023 chính xác đầy đủ

Việc lập báo cáo quyết toán thuế được xem là giai đoạn quan trọng đối với các doanh nghiệp vào thời điểm cuối năm tài chính. Để công tác lập báo cáo quyết toán hiệu quả nhất, doanh nghiệp cần hiểu rõ công việc này và có sự chuẩn bị chu đáo từ trước. BLUECOM tổng hợp chia sẻ đến các bạn nội dung chi tiết hướng dẫn lập Báo cáo quyết toán mới nhất năm 2023.

Chi tiết 5 bước lập báo cáo quyết toán thuế

Các bước lập báo cáo quyết toán được thực hiện cụ thể như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ chứng từ, số liệu trong kỳ báo cáo

Để có thể lập được quyết toán thuế các bạn cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ chứng từ trước khi lập báo cáo. Các bạn kế toán cần chuẩn bị chứng từ liên quan trước khi quyết toán thuế cụ thể:

1. Tờ khai thuế liên quan đến sắc thuế cần quyết toán hàng tháng/hàng quý (nếu có)

2. Chứng từ, hóa đơn mua vào, bán ra liên quan

3. Những giấy tờ nộp tiền thu chi ngân sách

4. Sổ cái các tài khoản liên quan theo bảng cân đối số phát sinh

5. Sổ chi tiết các tài khoản liên quan

Sau khi đã có đầy đủ hồ sơ chứng từ, kế toán doanh nghiệp cần rà soát lại tờ khai chứng từ, hóa đơn, bảng tính đã lập trong năm xem có đúng, chính xác hay không, kịp thời điều chỉnh số liệu tờ khai cho đầy đủ và chính xác.

Bước 2: Tích hợp và tổng hợp số liệu từ các tờ khai đã lập hoặc các bộ phận liên quan

Bước tiếp theo sau khi đã có đủ số liệu chính xác là các bạn cần tích hợp và tổng cộng số liệu đó để tổng hợp được dữ liệu cả năm hoặc cả kỳ cần quyết toán.

Với những số liệu cần lên tờ khai hàng tháng hàng quý thì các bạn chỉ việc cộng theo các tờ khai đã kê để lên tổng hợp số liệu.

Với những số liệu không phải lập tờ khai định kỳ thì các bạn sẽ tổng hợp số liệu từ các bộ phận liên quan như bộ phận mua hàng, sản xuất, bộ phận xuất nhập khẩu, số liệu giá thành và chi phí sản xuất,….. báo cáo lãi lỗ để tổng hợp số liệu cho cả kỳ quyết toán.

Bước 3: Lập bảng báo cáo quyết toán

Sau khi các bạn đã tích hợp và tổng hợp số liệu từ các tờ khai đã lập hoặc các bộ phận liên quan trong kỳ liên quan đến quyết toán cần lập xong, các bạn sẽ đưa số liệu lên báo cáo quyết toán.

Các bạn sẽ căn cứ vào biểu mẫu hồ sơ báo cáo quyết toán mới nhất của từng thời kỳ để lập báo cáo quyết toán được đầy đủ và chính xác.

Các bạn cũng lưu ý các trường hợp sắc thuế cần phân bổ thì các bạn cũng phải phân bổ theo phương pháp phân bổ, khai thuế, tính thuế, quyết toán thuế đối với loại thuế được phân bổ thực hiện theo quy định tại Điều 13, Điều 14, Điều 15, Điều 16, Điều 17, Điều 18, Điều 19 Thông tư 80/2021/TT-BTC về Hướng dẫn thi hành một số điều của luật quản lý thuế.

*Lưu ý: Doanh nghiệp cần chuẩn bị và kiểm tra kỹ số liệu, hồ sơ trước khi tổng hợp lên báo cáo quyết toán thuế. Cụ thể, doanh nghiệp nên chú ý:

+ Chuẩn bị đầy đủ hệ thống sổ sách và chứng từ kế toán.

+ Cần rà soát và kiểm tra toàn bộ chứng từ kế toán liên quan đến sắc thuế cần quyết toán.

+ Nên sử dụng phần mềm kế toán có tính năng lập tờ khai thuế tự động để tổng hợp nhanh báo cáo và dễ dàng kiểm tra lại số liệu báo cáo trước khi nộp báo cáo quyết toán thuế.

Bước 4: Chuẩn bị hồ sơ nộp báo cáo quyết toán

Các loại hồ sơ doanh nghiệp cần chuẩn bị để nộp báo cáo quyết toán:

+ Tờ khai quyết toán thuế theo mẫu Thông tư 80/2021/TT-BTC

+ Các phụ lục kèm theo quyết toán thuế nếu có.

Ngoài ra, còn một số chứng từ doanh nghiệp cần lưu lại để giải trình chứng minh số liệu trên báo cáo quyết toán thuế khi cơ quan thuế thanh kiểm tra sau này như:

+ Các chứng từ xuất nhập khẩu liên quan đến nguyên liệu nhập khẩu, hồ sơ nhập khẩu,… và các tờ khai hải quan, chứng từ nộp thuế khi xuất nhập khẩu hàng hóa.

+ Các bảng định mức, điều chỉnh định mức sản xuất

+ Chứng từ nhập, xuất kho đối với nguyên vật liệu khi sản xuất sản phẩm trong kỳ báo cáo

+ Các chứng xuất nhập phế liệu, phế thải trong sản xuất

+ Bộ báo cáo tài chính, các khoản hạch toán chi tiết liên quan đến các số liệu báo cáo

Bước 5: Nộp hồ sơ quyết toán thuế 

Các doanh nghiệp, cá nhân khi quyết toán thuế sẽ nộp online tại trang thuế điện tử: https://thuedientu.gdt.gov.vn/ của Tổng cục thuế. 

Trong đó: Nếu là doanh nghiệp, tổ chức thì nộp tại phân hệ “Doanh nghiệp” còn nếu là cá nhân trực tiếp quyết toán thì nộp tại phân hệ “Cá nhân”. 

*Lưu ý: Nếu cá nhân chưa đăng ký quyết toán điện tử thì phải đăng ký giao dịch điện tử trước khi quyết toán hoặc nộp quyết toán bằng bản giấy cho cơ quan thuế.

Những lưu ý trong việc áp dụng các quy định pháp luật về thuế khi quyết toán thuế tại doanh nghiệp

Căn cứ theo quy định tại khoản 6, Điều 8, Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý thuế 2019 quy định về quyết toán các khoản thuế như sau:

Đối tượng phải quyết toán thuế

– Các loại thuế, khoản thu thuộc các đối tượng sau:

+ Đối tượng khai quyết toán năm 

+ Đối tượng quyết toán đến thời điểm giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động, chấm dứt hợp đồng hoặc tổ chức lại doanh nghiệp.

Cụ thể:

*Lưu ý: Trường hợp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp (không bao gồm doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa) mà doanh nghiệp chuyển đổi kế thừa toàn bộ nghĩa vụ về thuế của doanh nghiệp được chuyển đổi thì không phải khai quyết toán thuế đến thời điểm có quyết định về việc chuyển đổi doanh nghiệp, doanh nghiệp khai quyết toán khi kết thúc năm. 

Các khoản thuế phải quyết toán thường gặp

– Thuế tài nguyên.

– Thuế thu nhập doanh nghiệp (trừ thuế thu nhập doanh nghiệp từ chuyển nhượng vốn của nhà thầu nước ngoài; thuế thu nhập doanh nghiệp kê khai theo phương pháp tỷ lệ trên doanh thu theo từng lần phát sinh). 

– Thuế thu nhập cá nhân đối với tổ chức, cá nhân trả thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công. Cụ thể như sau:

+ Tổ chức, cá nhân trả thu nhập từ tiền lương, tiền công có trách nhiệm khai quyết toán thuế và quyết toán thay cho các cá nhân có ủy quyền do tổ chức, cá nhân trả thu nhập chi trả, không phân biệt có phát sinh khấu trừ thuế hay không phát sinh khấu trừ thuế. 

+ Trường hợp tổ chức, cá nhân không phát sinh trả thu nhập thì không phải khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân. 

+ Trường hợp cá nhân là người lao động được điều chuyển từ tổ chức cũ đến tổ chức mới do tổ chức cũ thực hiện sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp hoặc tổ chức cũ và tổ chức mới trong cùng một hệ thống thì tổ chức mới có trách nhiệm quyết toán thuế theo ủy quyền của cá nhân đối với cả phần thu nhập do tổ chức cũ chi trả và thu lại chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân do tổ chức cũ đã cấp cho người lao động (nếu có).

*Chú ý: Trường hợp cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công trực tiếp quyết toán thuế với cơ quan thuế thì sẽ do cá nhân thực hiện trực tiếp.

– Thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp trực tiếp của nhà thầu nước ngoài quyết toán khi kết thúc hợp đồng nhà thầu; thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp hỗn hợp của nhà thầu nước ngoài quyết toán khi kết thúc hợp đồng nhà thầu; thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp kê khai của nhà thầu nước ngoài quyết toán theo năm.

Hồ sơ khai quyết toán thuế

Căn cứ theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 43, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 quy định về hồ sơ khai quyết toán thuế như sau:

Hồ sơ khai quyết toán thuế khi kết thúc năm gồm tờ khai quyết toán thuế năm, báo cáo tài chính năm, tờ khai giao dịch liên kết; các tài liệu khác có liên quan đến quyết toán thuế.

Thời hạn nộp hồ sơ khai quyết toán thuế

Căn cứ theo Điều 44, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 quy định về thời hạn khai quyết toán thuế như sau:

– Đối với loại thuế có kỳ tính thuế theo năm được quy định như sau:

+ Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ quyết toán thuế năm; chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu tiên của năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ khai thuế năm;

+ Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 4 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch đối với hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân của cá nhân trực tiếp quyết toán thuế;

+ Chậm nhất là ngày 15 tháng 12 của năm trước liền kề đối với hồ sơ khai thuế khoán của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán; trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh mới kinh doanh thì thời hạn nộp hồ sơ khai thuế khoán chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày bắt đầu kinh doanh.

– Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với loại thuế khai và nộp theo từng lần phát sinh nghĩa vụ thuế chậm nhất là ngày thứ 10 kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thuế.

– Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với trường hợp chấm dứt hoạt động, chấm dứt hợp đồng hoặc tổ chức lại doanh nghiệp chậm nhất là ngày thứ 45 kể từ ngày xảy ra sự kiện.

Trên đây toàn bộ những kinh nghiệm, kỹ năng và kiến thức cơ bản về quyết toán thuế mà doanh nghiệp cần chú ý trong quá trình thực hiện quyết toán thuế Bluecom hy vọng rằng những thông tin trên sẽ giúp ích cho các bạn và quý doanh nghiệp thực hiện báo cáo quyết toán thuế được nhanh chóng và thuận lợi hơn. 

Bluecom - Đơn vị cung cấp dịch vụ đại lý thuế hàng đầu

CÔNG TY CỔ PHẦN ỨNG DỤNG VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ BLUECOM VIỆT NAM

VPGD: P810 Tòa Trung Rice City Linh Đàm, P Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội

Trụ sở: Số 01, ngõ 117 Đặng Tiến Đông, P Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội

Hotline: 024.39936229 - 84973282186

Email: dailythuebluecom@gmail.com

Bình luận

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

popup

Số lượng:

Tổng tiền: