Tin tức

Xử lý hóa đơn hàng bán trả lại như thế nào cho đúng?

26/08/2023 BLUECOM VIỆT NAM 0 Nhận xét
Xử lý hóa đơn hàng bán trả lại như thế nào cho đúng?

Hàng bán bị trả lại là hàng đã bán, được xác định là đã tiêu thụ nhưng bị khách hàng trả lại và từ chối thanh toán. Với trường hợp này, cùng Bluecom hướng dẫn cách xử lý như sau:

Trường hợp 1: Người mua là công ty, tổ chức trả lại hàng

Đối với trường hợp người mua là cơ sở kinh doanh, có sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng/hóa đơn bán hàng thì khi trả lại một phần hoặc toàn bộ hàng hóa, bên bán xuất hóa đơn điều chỉnh/thay thế hóa đơn đã lập.

Căn cứ khoản 1 Điều 4 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định:

1. Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hoá, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hoá luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hoá dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hoá) và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định này, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 12 Nghị định này.

Theo tìm hiểu, thực tế, khi xuất hóa đơn hàng bán trả lại, bên bán xuất hóa đơn như hóa đơn điều chỉnh giảm, trong đó ghi rõ từng mặt hàng và giá trị ghi âm (-), có thể có dòng chữ “Hoàn trả hàng hóa cho hóa đơn Mẫu số… ký hiệu… ngày … tháng… năm…”.

Cụ thể, việc xuất hóa đơn như thế nào thì cần chờ hướng dẫn chi tiết của Tổng cục Thuế. Hiện nay, mới có Công văn số 7589/CTTPHCM-TTHT ngày 30/6/2022 hướng dẫn bên mua lập hóa đơn trả lại hàng hóa.

Trường hợp 2: Người mua là cá nhân không có hóa đơn

Trường hợp người mua là đối tượng không có hóa đơn, khi trả lại hàng hóa Công ty áp dụng theo hướng dẫn tại điểm 2.8 Phụ lục 4 về hướng dẫn lập hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ đối với một số trường hợp (Ban hành kèm theo Thông tư số 39/2014/TT-BTC), cụ thể:

Đối với trường hợp trả lại toàn bộ hàng hóa:

Khi trả lại hàng hóa, bên mua và bên bán phải lập biên bản ghi rõ loại hàng hóa, số lượng, giá trị hàng trả lại theo giá không có thuế GTGT, tiền thuế GTGT theo hóa đơn bán hàng (số ký hiệu, ngày, tháng của hóa đơn), lý do trả hàng và bên bán thu hồi hóa đơn đã lập.

Đối với trường hợp trả lại một phần hàng hóa:

Sau khi lập biên bản thu hồi hóa đơn như trên và nhận số hàng bị trả lại, bên bán lập hóa đơn mới cho hàng hóa thực tế bên mua chấp nhận theo quy định.

- Trường hợp Công ty đã kê khai thuế của hóa đơn đầu ra, sau đó người mua trả lại toàn bộ hay một phần hàng và hóa đơn GTGT thì hai bên lập biên bản thu hồi các liên của số hóa đơn của hàng hóa bị trả lại, lưu giữ hóa đơn tại người bán. Biên bản thu hồi hóa đơn phải thể hiện được lý do trả lại hàng hóa và các thỏa thuận bồi thường giữa hai bên (nếu có). Căn cứ vào hóa đơn người bán trả lại, Công ty thực hiện điều chỉnh giảm doanh thu hàng hóa dịch vụ bán ra chịu thuế GTGT và thuế GTGT đầu ra trên tờ khai thuế GTGT mẫu số 01/GTGT. Trường hợp kê khai không đúng theo quy định, Công ty thực hiện kê khai bổ sung hồ sơ khai thuế theo hướng dẫn tại Khoản 5 Điều 10 Thông tư số 156/2013/TT-BTC.

(Theo Công văn số 84288/CT-HTr ngày 29/12/2015 của Cục Thuế TP. Hà Nội về chính sách thuế trả lời vướng mắc liên quan đến cách xử lý hóa đơn khi người mua trả lại hàng hóa).

Xử lý cách kê khai thuế GTGT của hàng bán bị trả lại:

Theo hướng dẫn tại Công văn số 5839/CT-TTHT ngày 20/02/2017 của Cục Thuế Hà Nội về hướng dẫn cách kê khai điều chỉnh hàng mua bị trả lại:

Trường hợp bên bán đã lập hóa đơn giao cho bên mua, sau đó bên mua trả lại hàng, đã lập hóa đơn trả hàng theo quy định thì các bên kê khai điều chỉnh trên tờ khai thuế GTGT mẫu 01/GTGT tại kỳ tính thuế phát sinh hóa đơn trả lại hàng như sau:

  • Đối với bên bán: thực hiện kê khai giảm vào các chỉ tiêu tương ứng tại mục II - Hàng hóa dịch vụ bán ra trong kỳ trên tờ khai 01/GTGT. Nếu là hàng hóa chịu thuế GTGT thì điều chỉnh giảm doanh số tại chỉ tiêu (32), giảm thuế GTGT tại chỉ tiêu (33).
  • Đối với bên mua: thực hiện điều chỉnh giảm doanh số mua tại chỉ tiêu (23), giảm thuế GTGT đầu vào tại chỉ tiêu (24) và (25).

Lưu ý thêm:

- Hiện nay, Tổng cục Thuế không yêu cầu doanh nghiệp phải làm và nộp phụ lục mua vào bán ra nên tại công văn số 5839/CT-TTHT, Cục thuế TP Hà Nội đang hướng dẫn các bạn điều chỉnh trực tiếp trên tờ khai thuế 01/GTGT.

- Còn nếu doanh nghiệp của các bạn vẫn thực hiện làm phụ lục mua vào, bán ra để lấy số liệu lên tờ khai thì các bạn thực hiện kê vào bảng kê mua vào, bán ra này như sau:

+ Bên bán: Kê âm vào bảng kê bán ra

+ Bên mua: Kê âm vào bảng kê mua vào

- Trước đó, Ngày 23/11/2015, Tổng Cục Thuế ban hành Công văn 4943/TCT-KK hướng dẫn về khai thuế và khai bổ sung hồ sơ khai thuế.

Khi người bán đã xuất hóa đơn, người mua đã nhận hàng và hai bên đã kê khai thuế giá trị gia tăng (GTGT).

Sau đó, bên bán và bên mua phát hiện hàng hóa đã giao không đúng quy cách, chất lượng phải trả lại một phần hoặc toàn bộ, điều chỉnh giá trị hàng hóa bán ra thì phải lập hóa đơn trả lại hàng hoặc lập hóa đơn điều chỉnh theo quy định.

Căn cứ hóa đơn trả lại hoặc hóa đơn điều chỉnh thì tại kỳ tính thuế phát sinh hóa đơn trả lại hàng hoặc phát sinh hóa đơn điều chỉnh:

+ Bên bán kê khai điều chỉnh doanh số bán và thuế GTGT đầu ra.

+ Bên mua điều chỉnh doanh số mua và thuế GTGT đầu vào.

Cách hạch toán hàng bán bị trả lại

Bên bán hạch toán hàng bán bị trả lại:

Nếu Doanh nghiệp thực hiện theo chế độ kế toán theo Thông tư 200/2014/TT-BTC:

- Khi nhận hóa đơn trả lại hàng:

Nợ 5212: giá trị hàng bán bị trả lại

Nợ 3331: Thuế GTGT của số hàng bị trả lại

Có 131/111/112: Số tiền phải trả lại cho bên mua

- Cuối kỳ, kết chuyển doanh thu:

Nợ 511

Có 5212

Nếu DN thực hiện theo chế độ kế toán theo Thông tư 133/2016/TT-BTC:

Nợ 511: giá trị hàng bán bị trả lại

Nợ 3331: Thuế GTGT của số hàng bị trả lại

Có 131/111/112: Số tiền phải trả lại cho bên mua

(Thông tư 133 không sử dụng các tài khoản giảm trừ doanh thu như thông tư 200)

Bên mua hạch toán hàng trả lại:

Nợ 111/112/131: số tiền nhận lại

Có 156/152/211.... giá trị hàng trả lại

Có 133: Thuế GTGT  của hàng trả lại

(Cả thông tư 200 và TT 133 đều hạch toán như trên - khi mua ghi tăng cái gì thì khi trả lại ghi giảm cái đó)

Như vậy, Bluecom đã hướng dẫn các bạn cách xử lý hàng bán bị trả lại theo quy định mới nhất. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết

Có thể bạn quan tâm: Nên lập hóa đơn điều chỉnh hay thay thế hóa đơn có sai sót?

Bluecom - Đơn vị cung cấp dịch vụ đại lý thuế hàng đầu

CÔNG TY CỔ PHẦN ỨNG DỤNG VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ BLUECOM VIỆT NAM

VPGD: P810 Tòa Trung Rice City Linh Đàm, P Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội

Trụ sở: Số 01, ngõ 117 Đặng Tiến Đông, P Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội

Hotline: 024.39936229 - 84973282186

Email: dailythuebluecom@gmail.com

Bình luận

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

popup

Số lượng:

Tổng tiền: